1 tháng 12, 2011

ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ, HỒNG PHÚC TỔ TIÊN

     Đọc xong 8 giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang, không kìm được lòng mình, tôi phải thốt lên: tuyệt vời, trên cả tuyệt vời, chuẩn không cần chỉnh. Một ngôi sao sáng trên bầu trời chính trị đã hiện ra, chói lòa.
     Không dông dài lôi thôi nhá, không cần điểm lại cả 8 cái "là" nhá, chỉ cần một cái "Năm là" thôi đã thể hiện rõ ông Quang sở hữu một trí tuệ siêu phàm, một hệ tư duy sắc sảo, nhạy bén, một cái tâm trong sáng với Đảng, Chính phủ và Nhân dân. Ông Quang đã thể hiện rõ ông không chỉ giỏi với chuyên môn công an của mình, mà còn siêu việt trên nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, ngân hàng ... Có được người tài đức vẹn toàn như ông Quang lãnh đạo đất nước, có thể nói rằng đó là nhờ hồng phúc của tổ tiên.
     Này nhá, "yêu cầu chủ xe ô tô mở và duy trì tài khoản tại Ngân hàng với giá trị tài khoản là 20 triệu đồng, coi đây là điều kiện bắt buộc để ô tô tham gia giao thông", một đề xuất không thể tuyệt vời hơn. Từ nay, lái xe ra đường bị công an phạt không thể xin xỏ với lý do không có tiền nhá, cũng không cần giữ xe, giữ giấy tờ để phải thi hành đóng phạt nhá. Chỉ có điều nếu tài khoản chẵn hai chục triệu, bị phạt mất 2 trăm thì làm sao? Thế là lại không đủ điều kiện để tham gia giao thông rồi. Chỉ có điều ai sẽ kiểm tra tài khoản có đủ hai chục không? Thế là nhân viên ngân hàng lại đi tuần tra cùng CSGT à? Hay cho CSGT đi học bổ túc nghiệp vụ ngân hàng? Hay là mỗi ô tô đóng hai chục triệu xong, cấp cho nó cái chứng nhận "đủ tiền nộp phạt". Cái này phức tạp à nha, nhưng phức tạp cũng phải làm, chỉ cần chủ trương đúng thì phải làm.
     Đấy là bọn ô tô, còn bọn xe máy nữa chứ. Bọn xe máy này cũng đâu khá hơn bọn ô tô, cũng phạm luật, cũng tai nạn và cũng bị phạt mà. Xe máy thì bé hơn nên tài khoản bắt buộc cũng bé hơn, chắc khoảng một triệu một xe. Tiền đưa vào ngân hàng hết, có ai tiêu mất đâu, chỉ để các chủ phương tiện có tài sản để thực thi pháp luật thôi. Tính sơ các ngân hàng cũng phải giữ hộ dân một khoản khơ khớ, 2 triệu ô tô nhân 20 triệu là bao nhiêu? 40.000.000.000.000 VNĐ (nhiều quá không đọc được, hình như 40 nghìn tỷ, bằng 2 tỷ USD). 40 triệu xe máy nhân 1 triệu hình như cũng là 40 nghìn tỷ, bằng 2 tỷ USD. Tổng là 4 tỷ đô la Mỹ.
     Mà đâu chỉ riêng giao thông mới vi phạm, mới bị phạt. Tôi nghĩ áp dụng luôn từ các thành phần được gọi là "tế bào của xã hội". Mỗi cặp vợ chồng làm 2 cái tài khoản, mỗi cái 10 triệu đóng chết luôn, để khi có gì còn dễ thu tiền. Như cái vụ gì ông chồng đánh vợ tím tái hết người, hay vụ bà vợ nửa đêm thức dậy thấy buồn buồn đổ xăng đốt chồng, tất nhiên pháp luật sử lý hình sự, nhưng cũng phải nộp phạt chứ.
     Tính đến đây, áp dụng đến đây, sơ sơ ngân hàng cũng có thêm chục tỷ đô, chả ai dám rút ra, ngân hàng muốn làm gì thì làm, dăm ba cái vụ thua lỗ, nợ xấu, tái cơ cấu coi như giải quyết xong. Nền kinh tế lại phát triển vù vù, một công bảy tám việc. Đúng là đỉnh cao trí tuệ, hồng phúc tổ tiên./.

27 tháng 11, 2011

LỐ BỊCH

Tôi không đọc một bài nào về những phát biểu của ông Thủ tướng Dũng, cũng như những bình luận theo đuôi của các trí thức, các blogger mà chỉ nhìn những tít bài mà thấy rằng dù cái gì xảy ra đi nữa, tôi cũng chỉ có được hai từ duy nhất "Lố Bịch".
Cái gì cũng lố bịch.
Một động tác rất nhỏ của ông Dũng đã sử lý xong mọi phiền toái mà ông và chính phủ của ông đang phải gánh chịu. Dăm bảy lời tuyên bố nào đó đã làm một số (nhân dân) sướng điên, sướng phát rồ phát dại. Thật đáng thương!
Này nhé, cần Luật Biểu tình thì sẽ có Luật Biểu tình, nhưng sẽ chỉ để cho vui. Bắt người vẫn cứ bắt, câu lưu vẫn câu lưu và người sợ hãi vẫn sợ hãi. Song song với cái đề xuất soạn thảo, ban hành luật biểu tình (mà người có đầu óc một tý chả thèm hình dung) là một đòn dằn mặt với cái cuộc biểu tình ngớ ngẩn "ủng hộ Thủ tướng Dũng". Ông Dũng đã thẳng thừng chơi bài ngửa: các người muốn gì? các người có thời gian đi biểu tình thì chính quyền có thời gian đi dẹp, các người có thời gian đi làm đi ăn thì chính quyền vẫn có thời gian đi dẹp, ăn thua chưa? hiểu chưa? rõ chưa? Rõ sướng cho nhóm người la toáng lên đòi dân chủ!
Này nhé, cần biển đảo thì đòi biển đảo, vướng mắc gì mà không đòi. Biển của tôi, đảo của tôi, tôi cứ đòi, còn trả hay không là việc của các ông, không liên quan đến tôi. Dễ như húp cháo. Đòi bằng thương lượng, bằng ngoại giao, mỗi vài năm sang tỉ tê vài câu, hy vọng cũng đến lúc nó thấy phải thì nó trả. Sao không tiện thể xin luôn nó cái đảo Hải Nam. Nhưng vẫn không được biểu tình vui mừng đâu đấy. Rõ sướng cho nhóm người la toáng lên đòi yêu nước!
Ông Dũng tài thật. Biết ngay dân cần cái gì và cấp phát ngay, đầy đủ, kịp thời, nâng lên được thì hạ xuống được. Với đám xưng danh kẻ sỹ thì ve vuốt, "chính quyền này đã nghe các ông nói rồi, thế được chưa?". Chỉ cần một lời vàng ngọc đó thì giông tố cũng trở nên hiền hòa, tất cả thu quân hỉ hả "cũng nhờ có mình..." mà chả cần biết kết quả ra sao. Hiệu quả như liều Viagra, làm phồng lên rồi lại xẹp xuống.
AQ chết lâu rồi nhưng hậu duệ nhiều quá.

26 tháng 11, 2011

Hưởng ứng lời kêu gọi "Cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình": MỘT CUỘC THI NÉM ĐÁ

Để hưởng ứng "Cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình" trên NXD-blog dự kiến diễn ra vào 09h00 ngày Chủ nhật 27/11/2011, trên một số trang mạng lề trái đã diễn ra một cuộc thi ném đá với thành phần không giới hạn.
Cuộc thi được bắt đầu vào khoảng 2 giờ sáng ngày 25/11/2011 với một viên đá to từ một blog tại Đà Nẵng ném vào một cuộc bình chọn bình thường (chưa đủ cơ sở để kết luận là tầm thường) của một blog tại Hà Nội mang chủ đề "Người Phụ Nữ Của Năm 2011" (cũng không biết blog Hà Nội có còn là TNHH nữa hay không hay đã "cổ phần hóa" vì ông chủ blog này luôn tuyên bố "tôi tặng blog này cho các bạn"). Cuộc thi này, theo thông lệ diễn ra tự phát với chỉ vài đối thủ, nhưng sau đó mau chóng được đẩy lên cao trào với hàng trăm thành viên và hàng nghìn quan sát viên, tập trung chủ yếu ở 4 đấu trường chính là NXD-blog; TDN.vn; TTHN và ABS. Mục tiêu cũng được mở rộng sang nhiều thành phần khác, từ cuộc bình chọn sang nhân vật của năm, từ chủ blog đến cả phu nhân và ái nữ của họ, đến cả phương tiện di chuyển và các chuyến du lịch, thăm thân ở tít đẩu tít đâu, năm nảo năm nào. Nói chung là vô tội vạ, không giới hạn, free...
Đầu tiên, với chuyên môn vững vàng và đã lên đến đẳng cấp pro, cộng với một nền tảng thể lực được rèn luyện thường xuyên, blog Đà Nẵng đã ném một viên đá to, sần sùi (nhưng được buộc nơ và mang hồn dân tộc) vào đúng ngay đích tọa lạc tại Hồ Gươm, nơi được dựng lên một tượng đài kiểu như "ông Lê nin ở nước Nga" với danh hiệu "Người Phụ Nữ Của Năm 2011" với rất nhiều fan hâm mộ. Xin nói thêm về cuộc bình chọn này, giới quan sát viên ngay từ đầu đã bày tỏ sự e ngại về tính cục bộ, tính háo danh, sự đại ngôn và một hệ tư duy nông cạn. Ngay khi kết quả được công bố, không chỉ trong giới quan sát viên lề trái mà cả của lề phải đã râm ran tin rằng, cứ hao hao giống cuộc thi tìm linh vật cho SeaGames. Giới phân tích lề trái thì chán nản còn bên lề phải thì thở phào nhẹ nhõm, những người trung dung thì cho rằng cuộc bình chọn đã không chọn đúng thời điểm, chỉ là hành vi bột phát thì thất bại là điều hiển nhiên. Một số (cực đoan hơn) còn nói rằng đó là kiểu tư duy V-A-C lấy cái nọ nuôi cái kia vẫn đang được áp dụng ở một số trang trại kém phát triển.
Quay trở lại với cuộc thi, blog Hà Nội vốn không phải tay chuyên nghiệp, lại được hưởng những lời tán dương đã quen tai nên thiếu sự đề phòng, đã tỏ ra lúng túng thấy rõ. Người lính khi ra trận mà chẳng biết khẩu súng và dao găm khác nhau thế nào, thì khi lâm trận lúng túng là đương nhiên, mà đây lại là chỉ huy. Nhưng dù sao cũng là con dòng dõi, "cùng tắc biến, biến tắc thông", blog HN áp dụng ngay chiêu "lấy thịt đè người" bằng một lời kêu gọi thâm nho kiểu Hán Nôm, đưa ra bài hịch thiếu tính thuyết phục, tự đề cao mình là trang nhã còn kẻ đối nghịch chỉ nhìn thấy cái dưới váy đàn bà. Tiếp theo là tổng động viên quân sỹ vào trò ném đá loạn xì ngầu, không luật lệ, không căn cứ, không khuôn khổ khi dùng từ ngữ thóa mạ và lôi cả vợ con người ta làm mục tiêu (có nhiều viên đá mang hồn dân tộc, dân chủ). Giới phân tích cho rằng đây là một chiến thuật nông nổi xuất phát từ một thế trận bị động và không đáng mặt kẻ sỹ (thực ra cũng chẳng ai biết kẻ sỹ là kẻ nào). Theo họ, nếu không có bài hịch kia thì thế trận phản công tuy nhỏ gọn nhưng sẽ sắc bén hơn.
Đỉnh điểm của cuộc thi là thời gian suốt cả ngày 25/11/2011 với rất nhiều  viên đá được ném qua lại. Nhìn một cách tổng thể thì có vẻ đội blog Hà Nội đã giành được ưu thế do blog này không hạn chế phương thức thi đấu, ném thẳng mặt cũng được, dưới thắt lưng hoặc sau lưng cũng được, ném vào nhà cửa vợ con người ta cũng chả sao. Vũ khí thì đủ loại đủ kiểu, loại mang hồn dân tộc, loại mang hồn sông núi, loại mang hồn dân chủ và cả loại chả mang hồn gì, chỉ đơn thuần là ... đá. Lực lượng VĐV thì rất đông đảo, có cả các VĐV mang trên mình các loại chứng nhận yêu nước: người này mấy lần biểu tình, người kia mấy lần CA bắt... (cứ làm như tình yêu nước đo được bằng lít, bằng kí lô). Ngoài ra, đội blog Hà Nội còn được sự chi viện lớn khi đồng minh mở thêm mặt trận bên TTHN, còn tạp pí lù hơn do bên này hầu như không cần luật. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng sự chi viện này có tác dụng không đáng kể do phần lớn VĐV đều là bên blog HN "hai tay hai súng".
Bên blog ĐN, không khí có vẻ trầm lắng hơn nhưng không hẳn đã yếu thế, từng hòn đá vẫn được ném đi và trúng đích là cuộc bình chọn. Nhưng mặt trận bên này cũng dở, luật lá thì được quán triệt, không tục tĩu, không ném mục tiêu khác không liên quan và là mặt trận mở nên thỉnh thoảng lại có hòn đá ném về nhà, ông chủ blog cũng tối tăm mặt mũi nhưng phải chấp nhận, luật là luật. Phương tiện khí tài của họ cũng rất thô sơ, toàn từ thời Bà Trưng Bà Triệu, hoặc Nho giáo, Khổng giáo. Hiện đại hơn thì chỉ là hình tượng phụ nữ Việt Nam nết na nhu mì (mà bây giờ kiếm đâu ra?). Nhưng chính vũ khí thô sơ này lại là một thế mạnh cho họ, vì ai cũng còn trách nhiệm nuôi dạy con cái, không lẽ lấy biểu tượng đó ra mà dạy. Mà ở đời, có phải ai (và lúc nào) cũng thấy cần đi biểu tình đâu, để bị chính quyền đàn áp đâu mà phải học trước, luyện tập trước.
Cuộc thi này vẫn chưa đến hồi kết nhưng đã có nhiều đánh giá, nhận xét và bài học để lại:
- Giới quan sát cho rằng mọi cái chả đâu vào đâu, từ cuộc bình chọn cẩu thả, ếch ương lại cứ giả tiếng hổ báo. Hòn đá đầu tiên lại ném vào chỗ hiểm quá. Đòn phản công thì mang nhiều màu sắc lôi kéo. Tóm lại là các bên đâm ngay vào chỗ "nhạy cảm".
- Giới phân tích thì cho rằng đây là bài test để kiểm tra trình độ phản biện, một hành trang cần có trên con đường dân chủ thực thụ. Nhưng giới này cũng đưa ra kết luận sơ bộ: kỹ năng tư duy độc lập, đa chiều thực sự là thiếu và yếu đối với người Việt Nam, nó là hệ quả của một quá trình rất dài người Việt bị bỏ đói thông tin và bóp méo sự thật, càng ngày càng làm cho người Việt cho rằng quan điểm của mình là nhất, không chấp nhận các hệ tư tưởng khác mình. Sự đồng lòng do hiểu và tin tưởng là không có, chỉ có sự thỏa hiệp do các lợi ích khác nhau của các nhóm người khác nhau. Tóm lại, con đường đi tới dân chủ thực sự vẫn còn xa và có lẽ phải trông chờ đến thế hệ khác, chứ không mong chờ gì vào thế hệ này - thế hệ chỉ coi mình là nhất - trừ khi họ tự thay đổi một cách tích cực. Lời đề tỉnh: đừng tưởng mình là vĩ nhân mà hấp tấp mưu cầu việc lớn, việc có ích nhất trong khả năng là dạy dỗ con cháu thành những người đàn ông chính trực, phụ nữ đoan trang, biết lắng nghe, biết chia sẻ, vững vàng về tri thức.
- Giới cầm quyền thì cho rằng đã được ăn ngon ngủ yên vì trình độ đa số những người có ý thức chống đối đã được bộ lộ là quá yếu kém, người thì hám danh, kẻ thì moi móc, có kẻ còn lấy cái lề trái, cái mác dân chủ làm trang sức cho trí tuệ. Trong hiện tại và tương lai gần không thể tìm được một biểu tượng có tâm và có tầm, có khả năng gom những hạt cát rời thành một khối thống nhất. Thế thì còn gì phải lo âu.

23 tháng 11, 2011

BỊ CHỬI NHIỀU LIỆU CÓ CHẾT ĐƯỢC KHÔNG?


Tôi vốn người lỗ mãng, không am tường chuyện đông tây kim cổ, chính sử dã sử, thần thoại cổ tích, viễn tưởng giả tưởng. Tôi chỉ biết đọc biết viết những điều đơn giản, đương nhiên chỉ bằng tiếng Việt.
Gần tuần nay, ngày nào tôi cũng nghe, đọc những lời nhục mạ, chửi rủa hướng đến một đại biểu quốc hội có tên Hoàng Hữu Phước (từ đây tôi sẽ gọi là Phước để gỡ khó cho cách dùng đại từ nhân xưng của tôi - dù khiếm nhã nhưng mong quý độc giả châm chước). Mọi người nguyền rủa Phước với mọi ngôn từ tục tằn nhất mà mọi người có thể nghĩ ra hoặc chỉ dám nói đến thế vì nhân cách không cho phép tục tĩu hơn. Hàng ngàn comment, hàng chục bài viết, hàng trăm phân tích mổ xẻ đến từ mọi hướng. Từ người thầy giáo già của Phước, vì Phước mà Thầy đã không còn đủ đầy lòng tự hào về nghề giáo cao quý của Thầy nữa, vì Phước mà Thầy cảm thấy trách nhiệm người thầy đã không được vẹn tròn, Thầy thấy mình có tội với tổ tiên. Thầy ơi, con hiểu rằng trái tim bao la của Thầy bị tổn thương và đang rỉ máu, nhưng vẫn còn một góc cho đứa học trò mất nết đó phải không, nếu hắn biết rằng quay đầu là bờ. Vì Thầy, con thực sự mong mỏi sự phục thiện của Phước, để Phước lại có được một góc nhỏ trong trái tim già nua. Nhưng có còn hy vọng gì không?
Người bạn học cùng Phước nữa, tôi nghĩ cũng không thân thiết lắm đâu, nhưng vì Phước mà anh buồn và mất mát, những điều tưởng vu vơ nhưng có thật. Tôi đồ rằng anh đang muốn quên, như chưa bao giờ có quen người tên Phước ấy, có khi còn muốn quên luôn mấy năm học xa xưa. Tôi cũng đồ rằng anh không thể vị tha với Phước, không phải anh nhỏ nhen, mà anh không thể có tấm lòng bao dung như của người thầy già của mình. Đó là lẽ phải thôi, Phước ạ, âu cũng là cái giá phải trả.
Những người khác nữa, trong đó có tôi, đã không còn kìm được những lời bất nhã mà đã dùng mọi thể loại ngôn từ có thể để miệt thị Phước, nguyền rủa Phước. Ai cũng coi Phước như một một thứ bệnh dịch, một kẻ mạt hạng. Ai cũng thấy khổ tâm khi Phước chính danh là đại biểu của nhân dân. Và thực sự, sự tồn tại của Phước trên cương vị đại biểu của nhân dân đang là một sự sỉ nhục, cũng như những gì Phước nhận trong mấy ngày qua là hoàn toàn xứng đáng. Nhưng tôi có câu hỏi: BỊ CHỬI NHIỀU LIỆU CÓ CHẾT ĐƯỢC KHÔNG?
Tôi nghĩ là không.
Tham khảo:
Theo truyện Tàu ngày xưa, các bên đánh nhau cũng cho quân ra chửi đối phương, nhưng theo tôi biết người bị chửi chỉ uất ức mà thổ huyết thôi, không chết.
Theo y học hiện đại, cường độ âm thanh cực lớn (từ 90dB trở lên) mới làm cơ thể con người suy nhược mệt mỏi, thính giác bị ảnh hưởng nặng có thể dẫn đến điếc, nhưng cũng không chết. Mà có ai chửi to thế được đâu, không lẽ mang dàn âm thanh vũ trường về để phát mỗi bài nhạc chửi.

20 tháng 11, 2011

ĐỘI WRESTLING NƯỚC MÌNH

     Mấy năm trước thất nghiệp, tôi suốt ngày nằm nhà xem TV, toàn xem thể thao, bóng đá bóng chuyền bóng nỉ đủ cả, nhưng cũng khoái mấy cái môn đánh nhau, quyền anh, muay thái và nhất là cái môn đấm đá tự do kiểu Mỹ, gọi đúng là Wrestling. Thú vị nhất của môn này là cái quy trình của nó: đầu tiên là con người, phải to khỏe hầm hố máu me, ai nhìn cũng khiếp, ai nhìn chưa khiếp thì nghe sẽ khiếp, rồi phân cặp chọn đội cạ cứng cạ mềm, đến thách đấu thách thức hạ nhục đối thủ, rồi chọn sân chọn khán giả chọn đồ nghề, rồi lao vào nện nhau ầm ầm, thằng này đánh thằng kia ngã cứ thay nhau cù quay, nhưng đặc sắc nhất là kết cục: lúc thì bên thắng ôm đai chạy trối chết, lúc lại lừa lừa bổ cho cái ghế vào đầu đối thủ, lúc thì nện luôn đồng đội vì "mày làm tao thua", có lúc còn tương cho trọng tài vài phát. Quả thật là hấp dẫn không thể chê được, tất nhiên tôi biết nó theo kịch bản từ đầu tới cuối, tất cả chỉ diễn như Hollywood thôi. Tôi nhớ có lần thằng Mai (Mike Tyson) sau vụ cắn tai có mò sang định làm vài cuốc lấy tiền trả nợ, nhưng bên đó không cho. Nghe đâu bên đó hỏi bằng cấp diễn viên của thằng Mai nhưng thằng này không có, mà không bằng cấp thì chỉ được đóng vai "quần chúng tự phát" thôi, vua không biết mặt, chúa chả biết tên, vẹo vặt cũng không có gì, chỉ tổ cho bà con khán giả la ó chửi rủa. Thằng Mai không chịu, lại lèm bèm gì đó làm cả bọn kia xúm vào định cho một trận ngoài kịch bản, may mà can kịp không thì thằng Mai no đòn, bọn kia nó là diễn viên biểu diễn chuyên môn cao nhưng cũng là đầu bò đầu gấu cả đấy.
     Đó là chuyện Wrestling, chuyện thằng Mai, chuyện nước Mỹ đâu đâu xa tít, bây giờ cùng còn nhớ được chút chút thôi, không kể dài dòng khoe dốt. Cái làm tôi nhớ lại chuyện cũ đó là cái bây giờ này, ở nước mình này, vẫn đang tiếp tục này, cái này mới đáng này. Đúng là thời đại @, thời đại Bin Ghết, thời đại thế giới phẳng (mà phẳng đâu mà phẳng, phẳng mà lại có xe taxi đâm xuống hố to bằng cái hố bom giữa đường, phẳng mà lại suốt ngày đi săn mấy cái dự án san lấp vì cái đó lời hơi cao), thời đại nước mình nho nhỏ mà có những sáu, bảy trăm đầu báo quốc doanh thì cái việc người ta áp dụng kịch bản của Wrestling, của thằng Mai vào đời sống cũng không có gì phải lạ, đó chỉ là sự giao thoa văn hóa thông thường mà thôi. Đó là chuyện về một Đội Wrestling nước mình bây giờ.
Này nhé:
     Thứ nhất là nhân sự đội ngũ, trước nhất là to khỏe hầm hố là ưu tiên 1: con cháu các cụ mà không to thì ai to, bộ phận này không đông nhưng toàn quân tinh nhuệ, là quân chủ lực duy trì thế mạnh, tiếp nối cha anh. Đấy, mới hơn ba chục tý ty mà đã lên làm lãnh đạo chính khách to đùng. Chả biết bộ phận này đánh đấm trực tiếp ra sao nhưng có lẽ cũng đủ sức lừa lừa cho đối thủ cái ghế vào đầu, hoặc cho trọng tài vài phát. Việc không đàng hoàng nhưng cũng gọi là biết việc, mà đó cũng không phải chuyên môn chính của bộ phận này. Bộ phận này thì nhìn phát đối thủ đã vãi tè. Một bộ phận nữa, cái này gọi là nhìn mặt thì chưa hãi nhưng mở mồm ra thì đối phương đã thấy tái tê rụng rời, đầu óc bung biêng. Đại diện cho nhóm này là ông Thăng hung hăng, bà phó Doan và hàng loạt các ông nghị Cảnh IQ, nghị Đương rau muống, nghị Hồng nhà thơ, nghị Phước biểu tình. Nhưng trong nhóm này nghe nói cũng chả cơm lành canh ngọt gì, vì còn đang tranh cãi xem lời nói của ai dậy mùi nhất, làm cho đối thủ ngộ độc âm thanh, ngộ độc không khí mà mất khả năng định hướng và chiến đấu. Kẻ phản đối ông Thăng thì bảo những gì ông nói đã đầy người nói từ trước, ông này chỉ nâng lên một tầm cao mới theo cách ông quen làm với đoàn thanh niên thôi. Kẻ phản đối bà Doan thì bảo bà chỉ nhắc lại lời tiền nhân (tức người chết rồi), hơn nữa còn giảm đi một trăm lần. Kẻ phản đối ông Hồng thì nói ông không kiên định, hôm trước vừa nói cần luật nhà thơ như thế như thế mà hôm sau đã bảo "không biết vì sao lại cần". Nhưng nay có vẻ nhóm này đã tìm ra thủ lĩnh, đó là ông nghị Phước. Sau khi ông nói về phản đối luật biểu tình, đề xuất luật đức tin và thiên hạ tìm đọc mấy bài viết của ông về Hút-sen hít-sen thì cánh bên ông Thăng bà Doan tự giác xin rút, cũng chả vui vẻ gì mà do thấy ông Phước đã vượt trội về độ bốc mùi.
     Đấy là nói đến bộ phận đã có bằng cấp đầy mình, còn bọn đầu sai chân chạy thì đầy, lực lượng đã sẵn sàng, nào là tổ nọ, hội kia ... linh tinh đủ cả. Tập hợp bọn này cũng dễ, chả phải chia trác gì cho chúng mà cứ gọi là "mỡ nó rán nó". Sau khi huy động bọn này hiệu quả rồi chỉ cần cho nó tờ giấy khen kèm theo cái phong bì năm chục một trăm, hay quá lắm là tập hợp vài trăm đứa lên chụp chung kiểu ảnh với phó chánh lãnh tụ, thế là sướng bằng chết. Mang kiểu ảnh tập thể về, có phóng to bằng cái chiếu đôi thì mặt người vẫn bé bằng cái quả sung, thế mà vẫn mang khoe liền mấy đời, món ăn tinh thần nó no lâu thế đấy.
     Có lực lượng đội ngũ rồi thì bắt đầu giai đoạn thách đấu, đối thủ thì đủ cả mà lại đang nhiều, không cần mất công lựa chọn. Này nhé, từ đội giáo dân tốt đời đẹp đạo, đội này không đấu không được vì từ lâu nó đã là đối thủ truyền thống rồi, mà cứ mỗi lần phân thắng thua thì lại được luôn phần thưởng của nó. Trận này lại không thể thua vì chỉ thua một trận nó sẽ được thể đòi tái đấu để đòi hết những cái gì vốn đã là của nó. Nhưng trận này cũng không thể biết trước kết quả được vì đội nó cũng đông, có từ trong nam ra ngoài bắc, từ trong nước ra nước ngoài, lại có rất nhiều viện binh to khỏe và nhất là tính kỷ luật và sự đồng lòng rất cao.
     Tiếp đến là đội trí thức, lão thành cách mạng ít tiền nhiều chữ, sống cũng gần đủ tuổi trời. Đội này cũng là đối thủ đáng gờm vì khả năng tập hợp là rất lớn, lại ỉ mình là thông thái, đã đóng góp cho nước cho dân nhiều thế nào, lâu bao nhiêu, còn lôi cả công lao cha mẹ tổ tiên vào đó. Bình thường thì đội này không đáng sợ vì đã cài được người vào đội của nó, lúc cần dùng ngay cái võ vì "mày làm tao thua" nhưng cũng phải đề phòng bọn khán giả góp vui, nếu thấy mình chơi bẩn quá lại hò nhau giúp nó thì quả là nguy hiểm. Đội này cũng dứt khoát phải chiến.
     Tiếp theo là đội dân đen dân oan, bọn này cũng lắm chuyện và lôi thôi, chiến nhau xong thì phải có kẻ thắng người thua, tuy nó bị chơi bẩn nhưng phải chấp nhận chứ, đen một lần oan một lần thì biết thân biết phận thôi đi, cứ tưởng không dám cho nó thêm phát nữa. Nhưng đội này cũng cần để tâm đến vì bây giờ nó càng ngày càng đông, lại toàn đòi đánh theo luật. Mà luật thì ai làm, thế mà bên nó lại coi là ưu thế. Đội này cũng chiến, có gì thì cho mấy thằng tép riu xung phong, có đi cũng đi mát mẻ.
     Còn một đội nữa cũng rất nguy hiểm, mà lại không thách đấu sòng phẳng được mới cay chứ, vì nó cũng là đội mình, chỉ tranh giành nhau tý lợi ích thôi. Bọn này a rua a còng, thấy bên nào mạnh hơn thì theo, nhiều mầu xít hơn thì theo, chả chủ trương cương lĩnh gì cả. Bọn này thì phải áp dụng kiểu khác, kiểu như bắn tỉa, đánh một thằng cảnh cáo nhiều thằng. Bên nào toi nhiều hơn là bọn còn lại lại nhập vào nhau thôi.
     Thách đấu rồi thì chiến thôi, quân tư trang đồ nghề đủ cả, sợ gì không chiến. Đội giáo dân có cách chiến với đội giáo dân, trước hết cho bộ phận thông tin đi đầu, cứ làm ầm lên là bên đó cục bộ chủ nghĩa, chơi không đẹp vì cứ muốn mang phần thưởng về cất, chả cho khán giả cái gì. Bên mình thì chiến lợi phẩm là của chung, khán giả sẽ được tý công viên, tý môi trường xanh sạch đẹp, thực ra có cho gì đâu. Công viên thì lấy ai ra ngồi, có thì chắc chỉ vài ông bà xì ke ma túy mại dâm. Môi trường thì sao, chỗ nào chả bẩn người ta cũng chả quan trọng chỗ nào bẩn hơn. Bộ phận thứ hai vào trận là đội cơ bắp, kiểu thằng Mai, cứ cho nó cái vai quần chúng tự phát, mọi cái làm loạn cả lên, không đúng sai nếp tẻ gì sất. Bộ phận thứ ba sẽ sáp lá cà, gồm đầy đủ ban bệ đoàn thể, đồ nghề không thiếu, còn tăng cường thêm bọn quần chúng tự phát và chó. Hậu cần thì bọn chánh này phó kia, thủ thưởng viện trưởng. Thời điểm thì cứ nửa đêm gà gáy mà chơi, vừa tù mù ánh sáng, vừa tù mù lực lượng, lại tù mù luôn cả chiến thuật.
     Đội trí thức lão thành thì phải chơi kiểu khác, an ủi động viên là trước, sau đó nhẹ nhàng tác động đến từ bà con họ hàng khối xóm, cả từ buồng ngủ gian bếp gian thờ. Sau đó đến cơ quan đoàn thể, hai cái đi làm muộn, ba cái chỉ tiêu đoàn thể nhố nhăng không đạt là thành một cái nghỉ việc. Khi đó đói còn chả đứng nổi chứ đánh đấm cái gì. Cái này gọi là đánh từ hậu phương đánh ra kết hợp tiền tuyến đánh vào.
     Đội dân đen dân oan thì khỏi bàn, vẫn trường kỳ kháng chiến chứ có phải bây giờ mới thế đâu, mà lúc nào nó chả thua. Nếu nó căng quá thì cũng hy sinh cho nó vài mạng là xong, bọn thế thân thiếu gì. Có khi lại được luôn chiến lợi phẩm từ bên mình.
     Mà cái thằng tư bản giãy chết cũng tài, đem cái môn thể thao của nó ra vận dụng mà cứ như là vớ được sách thánh hiền, dùng mãi không hết. Mỗi tội là khâu kịch bản mình hơi yếu, có lẽ phải mời bọn nó về nắm trọng trách bên Bộ Wrestling, tạm dịch là Bộ Đấu Đá, lập thêm một bộ nữa cũng chả sao. Mỗi cái phải xét là khán giả bên mình không fair-play như bên nó, nên thua một trận là toi.

13 tháng 11, 2011

TỪ CHỦ NGHĨA TÌNH NGHĨA HỌ HÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN SỰ HÈN KÉM, NHU NHƯỢC, KHÔNG DÁM DẤN THÂN, KHÔNG DÁM ĐÁNH ĐỔI

Nghĩ cứ thấy kỳ kỳ khi nội dung bài viết đã có trong đầu nhưng lại không biết viết tiêu đề như thế nào, bởi cái mệnh đề nguyên nhân là sự tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành, nay cứ tạm gọi là CHỦ NGHĨA TÌNH NGHĨA HỌ HÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM và cái mệnh đề kết quả cũng tạm gọi là SỰ HÈN KÉM, NHU NHƯỢC, KHÔNG DÁM DẤN THÂN, KHÔNG DÁM ĐÁNH ĐỔI. Xin được nhắc rằng, nội dung trong bài viết này chỉ là suy nghĩ của cuộc đời non trẻ 35 năm của chính người viết, nên quả thật còn rất nông cạn.
1. Từ chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng của người Việt Nam:
Tôi không nói đến sự giống nhau về sự sinh ra và qua đời, các mối quan hệ với tổ tiên và thế hệ tương lai, các mối dây liên hệ hiện hữu của các dân tộc trên toàn cầu, bởi tất cả đều na ná giống nhau. Tôi chỉ đề cập đến một vấn đề tình cảm của người Việt Nam, mà qua so sánh, tôi cảm thấy hơi thái quá và tôi cho rằng có thể gọi đó là chủ nghĩa: Chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng.
Người Việt Nam, ở đâu cũng thế, đều rất coi trọng tình cảm họ hàng, coi trọng các mối liên hệ họ hàng. Tất cả đều cảm nhận được hạnh phúc trong những khi gia đình sum họp, nhất là Tết cổ truyền, và cũng như tôi, mọi người đều cảm thấy đó là thời gian ý nghĩa nhất trong một năm. Lúc đó, vật chất không còn vai trò, con người như thoát thai biến đổi, mọi sự dành dụm dè sẻn trong năm chỉ để phục vụ một khoảng thời gian rất ngắn, và không ai cảm thấy hối tiếc. Chỉ mấy ngày sum họp nhưng mọi người đã làm việc của cả một năm (có thể dài hơn), đó là uống thuốc bồi bổ tinh thần, tích nạp nguồn năng lượng tinh thần để rồi dùng dần trong thời gian tiếp theo. Sau đó lại tiếp tục một vòng quay: xa cách - lao động - dè sẻn - sum họp - nạp năng lượng. Nó giống như miêu tả của câu thành ngữ "no dồn đói góp". Tôi không chỉ trích, bởi tôi cũng ở xa đại gia đình bằng chiều dài đất nước, vì tôi vẫn thấy sum họp là cần thiết và có kế hoạch cho công việc quan trọng thường niên. Nhưng tôi biết, hàng trăm nghìn công nhân, dù đã làm việc đến 12 giờ một ngày, dù cả năm bữa ăn không đủ dinh dưỡng, cả năm không dám mua một bộ đồ tử tế (chỉ khoảng 500 ngàn thôi), mà mấy năm dành dụm mới về quê được một lần, lại chỉ bằng xe đò giá rẻ nhất, chật chội nhất. Nhưng tôi biết, hàng trăm ngàn thanh niên trai gái, nhu cầu tình cảm đôi lứa là tất yếu, mà không dám yêu, không dám cưới, chỉ vì một lẽ giản đơn, không có tiền: tiền cho một tổ ấm phòng trọ 6 mét vuông 500 ngàn một tháng, và tiền để nuôi sống hoa trái của tình yêu, nòi giống của dân tộc. Thế là họ nhịn, họ chờ vào ngày mai, nhưng ngoài tuổi già ra thì không có tín hiệu nào báo cho họ ngày mai sẽ khác. Và cứ mỗi cuối năm, số tiền dành dụm ít ỏi lại được đem ra tiêu cho chuyến trở về, và đã không còn gì dành cho bản thân. Thế có gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng được không?
Người Việt Nam, làm gì cũng thế, đều xét rất kỹ đến vai trò của họ hàng hay những ảnh hưởng đến họ hàng. Những hành vi của cá nhân đều được xét đến mối liên quan đến họ hàng và những hệ lụy có thể có. Đây có thể là một bức tường ngăn những hành vi trái đạo đức của từng cá nhân, mà vô hình chung mặc định lỗi lầm của một người là lỗi lầm của một gia đình, một dòng họ, và từng cá nhân có trách nhiệm bảo vệ những gì tốt đẹp cho cả gia đình, cả dòng họ. Nhưng đây cũng có thể là rào cản cho những suy nghĩ và hành động độc lập, cho những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy thể hiện đúng nghĩa của cụm từ "tôi là một con người", cho chủ nghĩa đề cao cá nhân như nhân loại tiến bộ đang hướng tới. Tôi không dám kết luận ý thức hệ này là tốt hay sấu, là cổ súy hay bài xích, tôi chỉ thấy rằng nếu mỗi cá nhân không bị quá bó buộc thì khả năng tốt của cá nhân sẽ bộc lộ được nhiều hơn, còn cái xấu thì đã có pháp luật điều chỉnh. Thế có gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng được không?
Ở đây tôi sẽ đi vào tìm hiểu nguyên nhân của cái mà tôi gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng này:
- Thứ nhất, tư tưởng của chủ nghĩa phong kiến chưa mất đi. Những gì được thể hiện ở các cụm từ một người làm quan cả họ được nhờ hay chu di tam tộc đã ngấm rất sâu vào hệ tư tưởng của người Việt và tôi không thấy có ai muốn thay đổi điều này. Không nói đến một hiện thực là một người làm quan cả họ (sẽ) làm quan của XH ngày nay mà tôi chỉ nói đến cách truyền đạt tri thức cho thế hệ kế cận, không thấy ai nói thói dựa dẫm là không đúng, không thấy ai cổ súy cho sự độc lập, độc đáo về tư tưởng, về cách nghĩ, cách làm, cách thể hiện cái tôi cũng như chịu trách nhiệm toàn phần cho cái tôi của mình (hoặc có nói cũng chỉ là chiếu lệ). Tôi thấy buồn khi người cha của Nguyễn Đức Nghĩa qua đời vì TNGT lại có những người nói rằng đó là quả báo, là nhân quả, là sự trả giá. Thôi thì việc cũng đã qua, tôi chỉ nghĩ cố rằng thế là mừng cho ông ấy, vì với một cách suy xét lệch lạc của xã hội này thì ông cũng là tội phạm, thế thì sống không bằng chết. Tôi mong ông yên nghỉ.
- Thứ hai, chiến tranh đã qua được hơn ba mươi năm, nhưng di chứng thì còn đến hôm nay chưa nhạt. Ngày đó, để huy động sức người, huy động sự tổng lực về tinh thần, cũng như loại bỏ bản năng cầu sống của người lính để họ không trốn chạy, chính quyền miền Bắc đã xóa bỏ cái tôi cá nhân. Một người nhát gan, ham sống, đào ngũ thì cả gia đình, cả họ hàng và cả bạn bè thân nữa cùng gánh tội (theo Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh). Cuộc sống của cả dòng họ bị đảo lộn, họ không còn được tin tưởng trong công việc, không được tạo điều kiện trong cuộc sống, ngay cả muốn đối mặt với cái chết (đi bộ đội) cũng không được tin tưởng nữa. Bà con lối xóm thì coi cả họ nhà đó như con hủi, như tội phạm, và dòng họ có người con hèn nhát đó đã được tương lai tối tăm đến đón. Nhưng đó là chiến tranh, ở một góc độ nào đó có thể hiểu được, còn sau ba mươi sáu năm, kiểu đó không cần nữa, nhưng không dễ gì xóa đi.
2. đến sự hèn kém, nhu nhược, không dám dấn thân, không dám đánh đổi;
Tôi xin nói luôn, từ hèn kém không phải từ của tôi mà từ phản hồi của blogger Thanhvdgt1, tôi hiểu đó là lời gan ruột, là nỗi đau cho người, cho tôi và cho chúng ta. Sở dĩ tôi viết bài này vì hai tiếng hèn kém cứ như vẳng bên tai, cũng như tìm một cách giải thích cho cái gọi là hèn kém đó, mà tôi cũng có.
Dễ nhận ra nguyên nhân của sự hèn kém trong con người, đó là sự thật mà khi tiếp cận, người dân cứ như là tìm thấy một nơi có sự sống khác ngoài trái đất này, của sự bất bình đang ngày một lên cao qua các thông tin về biến chuyển tiêu cực của XH tràn lan gần đây. Từ đó con người muốn phản kháng, muốn tiến tới sự công bằng, muốn sống cùng với cái tôi cá nhân độc đáo và được tự điều chỉnh hành vi, nhưng không dám, bởi hèn kém, nhu nhược, không dám dấn thân, không dám đánh đổi.
Nhưng có hèn thật thế không? Là bản chất hay sự thích nghi? Và làm sao thay đổi?
Người Việt Nam không hèn, điều đó được chứng minh qua lịch sử hàng ngàn năm đánh giặc. Trong các thời kỳ đó, ai cũng gác số phận mình, cuộc sống của mình lại để đồng lòng khi Tổ quốc lâm nguy, họ và gia đình họ tự hào về điều đó.
Cũng không phải sự thích nghi, vì thích nghi kiểu đó thì Thuyết Tiến Hóa phải viết lại, loài người và vạn vật tồn tại được là do sự thích nghi với cái mới ưu việt luôn vươn tới tầm cao, hoàn thiện mình và hoàn thiện XH.
Vậy thì tại sao? Đó là tại cái mà tôi gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng của người Việt Nam. Tôi và nhiều người, dù muốn làm nhiều việc (ở đây là những việc vì Tổ quốc, vì những cái tốt đẹp hơn) nhưng có nhiều cản trở hơn. Người Việt, chưa dứt được các thứ gọi là dây mơ dễ má, chưa phát huy được cái tôi đích thực, nên vẫn là hèn kém. Tôi không dám làm vì nghĩ rằng sẽ liên lụy đến cha mẹ, anh chị em, vợ con. Tôi không dám làm vì tôi không thể tách mình ra khỏi mối liên hệ gia đình, họ hàng bởi hiện tại đang chứng minh: Một người có tội cả họ có tội. Tôi có thể dám cư xử tồi tệ với tấm thân mình (cứ tạm gọi như thế) chứ không đang tâm làm liên lụy đến gia đình.
Lời kết: Sự giải thoát của cá nhân là điều cần thiết, một cái tôi dám làm dám chịu sẽ là nền móng cho nhận thức và hành động, nhưng quả thật cái gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng đã mọc rễ trong đầu mọi con người Việt Nam.

11 tháng 11, 2011

SỰ VỘI VÀNG CỦA THỦ TƯỚNG DŨNG HAY NHỮNG DẤU HIỆU ĐÁNG MỪNG


Những ngày qua, các thông tin từ nhiều lĩnh vực khác nhau xảy đến dồn dập, mà tin gì cũng làm xã hội sốt xình xịch, và tôi sẽ gọi tên của hiện tượng đó là "Sự vội vàng của TT Dũng hay những dấu hiệu đáng mừng". Xin được phân tích:
1. Sự vội vàng của TT Dũng:
Việc bà (tôi gọi các nhân vật ở đây là ông hay bà không mang nghĩa tôn kính, chỉ là danh xưng giống đực - giống cái) Nguyễn Thanh Phượng con gái ông Dũng đã, đang là thành viên cấp cao của một số Cty, tổ chức tài chính nhiều tiền nhiều của nay tiếp tục nhảy vào lĩnh vực ngân hàng (NH) liệu có phải là một động thái khôn ngoan, thể hiện tài làm kinh tế của một doanh nhân trẻ năng động (bà Phượng sinh năm 1980) hay đó chỉ là hành vi thấy đèn xanh thì đi. Xin sâu chuỗi các sự việc sau: Lãi xuất NH đang ở mức cực cao và hầu hết lợi nhuận của doanh nghiệp đều chảy vào túi các NH. Nhưng đây không phải vấn đề chính bởi NH Gia Định (nay là Bản Việt) không phải là NH lớn nên bà Phượng sẽ chưa cần phải bận tâm đến nguồn lợi nhuận này nếu như không có đèn xanh được bật lên. Tiếp đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, một cơn bão thông tin về việc các NH kinh doanh không hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu tăng cao, và hàng loạt các cảnh báo của các chuyên gia tài chính. Những thông tin đó đã đánh động xã hội (XH) về một thực trạng tưởng như không lành mạnh trong hệ thống NH, làm XH tưởng rằng hệ thống NH sụp đổ đến nơi và chính quyền phải tìm cách cứu nó, và phải cứu. Thế là các biện pháp được dồn dập đưa ra mà không thể không chính đáng. Đầu tiên là cải tổ, hay nói đúng ngôn ngữ là tái cơ cấu, tức là yếu, không hiệu quả thì sáp nhập để to hơn, mạnh hơn. Nhưng có lẽ chỉ đông nhân viên, đông lãnh đạo, đông chi nhánh hơn chứ mạnh hơn hay không thì hậu xét, và không cần phân tích làm gì. Tất nhiên khi đó ban lãnh đạo NH to (do sáp nhập) phải có thành phần lãnh đạo của NH nhỏ, và có gì phải thắc mắc không khi thời điểm nào đó (tôi VD - nhanh thôi) bà Phượng có tên trong BLĐ của một trong số Vietcombank, Vietinbank ..., nhưng việc đó bàn sau vì từ việc ông Nghị suy ra thì bà Phượng lên thống đốc hoặc phó thống đốc NHNN cũng không còn bất ngờ nữa. Tiếp động thái tái cơ cấu, cái này mới trực tiếp đến tiền, đó là chính quyền sẽ bơm vào hệ thống NH một lượng tiền cực lớn nhằm giữ cho hệ thống khỏi sụp đổ, đúng nghĩa là bù vào các khoản thất thoát, thua lỗ, nợ xấu. Cái này gần giống như đi đánh bạc mọi người đều mang tiền, duy nhất một ông không mang, đến đó vay tiền người khác chơi và tuyên bố tiền vay trong chiếu bạc không tính, thế thì ai chả muốn. Nhưng đây chưa thể nói là cái vội của ông Dũng, nhưng cũng có thể nói thế nếu xét riêng về tiền bạc, vì ông Dũng cũng đã thừa tiền xài, nay bắt thêm mớ tép cũng chả để làm gì.
Việc ông Nguyễn Thanh Nghị từ hiệu phó một trường ĐH không lớn lắm lên ngay thứ trưởng BXD mới thể hiện rõ sự vội vàng của ông Dũng. Làm ăn kinh tế như bà Phượng thì khác, ai có tiền thì có quyền, định hướng đúng thì giàu sang, nhưng đây là làm chính trị, làm quản lý nhà nước. Một người mới 35 tuổi, tôi không biết đầu óc siêu việt như thế nào, nhưng chưa từng kinh qua quản lý nhà nước vĩ mô bao giờ liệu có kham nổi công việc của một thứ trưởng không. Mà XH này từ xưa đến nay đã đi theo lối mòn "sống lâu lên lão làng", ông này nhảy một phát như thế làm sao thuộc cấp và dân tình phục được. Tôi nói vụ này ông Dũng rất vội vàng, mà đâu cần phải thế. Ông Dũng còn gần 5 năm nhiệm kỳ nữa, mà có thể ông còn làm đến lúc chết, vậy sao phải vội. Lẽ ra ông bố nên đưa ông con lên từ từ, có thế từ Viện trưởng Viện phó, Cục trưởng Cục phó gì đó làm vài bữa, thứ nhất là để ông con quen tác phong, thứ hai là để thiết lập vây cánh, sau nữa là để dân tình bớt sốc.
Nhưng tại sao ông Dũng phải vội vàng thế? Có thể suy luận đơn giản, đó là sự tổng hòa của nhiều nguyên nhân và lý do. Xin nêu dưới đây:
- Thứ nhất (và rất quan trọng): đó là tay đệ tử chân truyền của ông tư vấn thối, chắc lại suốt ngày rỉ tai "các cháu cũng trưởng thành rồi, chững chạc rồi, làm lãnh đạo cũng quen rồi, bác phải kế hoạch cho chúng" nào là "bác có thấy các ông khác bây giờ con cháu cũng mới tý tuổi mà đã làm quan to lắm không, bác không nhanh bọn trẻ kia nó có kinh nghiệm, nó có vây cánh chắc rồi thì khó tranh được với chúng nó", nào là "bác lo gì dân tình dị nghị, có nói chúng cũng chỉ được vài bữa, mà chả lẽ chúng nó biểu tình vì việc ấy, bọn đó không ngu thế đâu, nó sợ CA sắp chết nên cái gì chúng nó cũng phải có lý do chính đáng, phải như yêu nước thương dân chứ không lẽ đi biểu tình vì người ta làm chức to", nào là "thế giới thì làm gì, bác xem thằng un với thằng in đấy, lão phi đen với lão ra un đấy, ai làm gì được, ngay thằng Nga ngố, hai thằng mec và tin cứ thay nhau đến mấy chục năm, ai làm gì được" (tôi hình dung và trình bày kiểu thế cho dễ diễn đạt). Cứ thế mãi cũng thấy nó (tay tư vấn thối) nói đúng (nó không nói thằng Fi vì sợ phạm húy) có ngờ đâu là nó đang định xin ông cái gì. Gở mồm ông mà như thằng Fi thật thì nó cũng là thằng vô danh, việc gì nó muốn thì nó đã làm được rồi, khi đó nó cứ lặng lẽ mà lặn, nhưng ông thì lặn đi đâu?
- Thứ hai (cái này nghiêm trọng): Ông Dũng đang lo cho tương lai tuổi già của ông không hạ cánh an toàn được (chứ tiền thì không xét). Ông muốn khi ông về già đã có con cái là thế mạnh bảo vệ ông. Tôi không dám đoán là ông có nhiều thế lực đối nghịch, nó chỉ chờ ông treo ấn là sẽ phăng teo, cho nên ông vội vàng đưa các con ông lên thật cao, thật nhanh để khi ông về cũng an tâm. Tôi cũng không dám đoán ông và các đồng chí của ông chia bè kéo cánh đến mức luôn chực chờ cơ hội phang nhau.
- Thứ ba (cái này buồn cười): ông Dũng có vẻ không đủ sáng suốt để nhận ra bản chất XH Việt Nam, tuy (dân báo lề trái gọi)  là độc tài nhưng là độc tài không triệt để, nó là độc tài nhóm. Mà ông thì lại muốn cha truyền con nối và gia đình trị. Có thể ông cảm thấy ngày nào đó ông làm TBT, con trai ông làm TT, con gái ông làm CTQH thì cũng là bình thường, có tài thì phải cáng đáng việc nước. Nhưng ông Dũng nhầm to, chừng nào các nhóm lợi ích phải chia sẻ lợi ích (lời của đồng chí của ông nói) cho gia đình ông thì họ không để ông yên đâu.
- Thứ tư (cái này không thể lý giải): Trong hoàn cảnh đất nước XH đang nháo nhào về tất cả, về nền kinh tế yếu kém, về sự toàn vẹn lãnh thổ, về khủng hoảng tài chính ngân hàng, lạm phát cao ngất, bữa ăn còn chỉ cơm với rau, nhà đất đóng băng, cổ phiếu xuống sắp tới zero, vỡ nợ vỡ hụi hàng ngàn tỷ, công an chính quyền thẳng tay đàn áp, vu khống bôi nhọ giết người, dân oan kêu khóc dậy đất trời, mới nhất là thằng kền kền elliot kiện đại tập đoàn Vinashin đòi nợ, mà ông lại ung dung đưa con trai ông mới tý tuổi lên làm thứ trưởng, chắc cũng sắp đưa con gái ông lên phó thống đốc NHNN hoặc gì đó to đùng. Hay là ông khinh người quá, ông chọc giận nhân dân, chọc giận XH và chọc giận luôn cả các "nhóm lợi ích" đã từng có ông. Hay ngày thăng chức cho con ông đã chọn sẵn rồi không thèm hoãn nữa? Tôi cũng nghe nói hôm nay ngày đẹp (cả lịch ta lịch tây) nhưng như thế là ông thái quá rồi. Cái này tôi không thể hiểu ông.
2. Những dấu hiệu đáng mừng:
Trước khi vào vấn đề này tôi sẽ nói trước: Không phải đáng mừng cho hệ thống NH được cứu thoát, cũng không mừng khi Đất nước có những công dân trẻ khỏe tài cao như những người con ông Dũng lãnh đạo, càng không mừng khi nhận ra cái sự vội vàng của ông Dũng. Cái mà tôi gọi là đáng mừng là những dấu hiệu cho thấy sẽ có những sự đổi thay trong nhận thức, trong hành động của XH. Những cái vừa xảy ra có lẽ sẽ mang tới những nhận thức mới mẻ cho những người chưa kịp đổi mới, cũng là một sự khẳng định cho những người đang trên đường đổi mới. Xin đi vào chi tiết:
- Thứ nhất, tôi nhận thấy trong XH có nhiều tiếng nói phản kháng về mọi mặt của XH, có thể xuất phát từ muôn ngàn lý do khác nhau, nhưng nhìn chung đều từ những cá nhân đơn lẻ, có thể vì muốn gìn giữ Tổ quốc của cha ông để lại, có thể bị chính quyền địa phương trù dập, có thể từ những người dân mất đất sinh hoạt, đất canh tác biến họ thành những kẻ không nhà, không nghề nghiệp, không tương lai, có thể vì một bộ phận chính quyền hoặc người dân không tôn trọng tôn giáo, đức tin của người khác, và cả từ những người con mất cha, người vợ mất chồng bởi chính những người của chính quyền, những người sống bằng tiền của nhân dân và lẽ ra phải bảo vệ nhân dân. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng họ không và chưa là một thế lực có thể hủy hoại chế độ này, bởi vì họ chỉ là một nhúm người nhỏ bé không tổ chức. Xã hội này còn rất, rất nhiều người không quan tâm đến gì khác ngoài bản thân và gia đình mình, họ không có nhu cầu thay đổi điều gì cả. Hầu hết là những người cố gắng sống bình thường không so bì ghen tỵ. Nhưng giờ đây, khi nhu cầu sống tối thiểu đang bị đe dọa, sự vương giả về vật chất và tít cao về quyền thế của những người có tí chức quyền trong bộ máy chính quyền đã khiến họ (dân thường) phải ngước nhìn, và suy nghĩ. Chỉ cần họ suy nghĩ thôi đã được gọi là một tín hiệu đáng mừng.
- Thứ hai, với lực lượng công an (CA) và quân đội (QĐ): dù hàng ngày tôi phải chứng kiến nhiều hành vi không thể chấp nhận được của lực lượng CA như đàn áp, khủng bố tinh thần nhân dân tuần hành hòa bình, đánh người, giết người vô lý, vòi vĩnh ăn hối lộ nhưng tôi hoàn toàn tin rằng đó không phải là số đông (tuy cũng không hề nhỏ). Tôi đã nghĩ và muốn nghĩ rằng lương tâm con người trong họ luôn còn nhiều, bởi vì ai cũng có nguồn cội và nòi giống, và những người đó khi sinh ra không phải để làm đồ tể, hành vi xấu xa của một ít người bọn họ chỉ là một chút thú tính mà ai cũng có, nhưng họ không kìm hãm được mà thôi. Rồi họ cũng kìm hãm được thôi khi những người thân của họ cũng bị chà đạp bởi chính những người đồng chí của họ, điều này đương nhiên sẽ xảy ra bởi số người bị chà đạp ngày càng nhiều. Với giới QĐ, hiện nay họ gần như đứng ngoài mọi va chạm giữa nhân dân với chính quyền, nhưng tiếng nói của QĐ thì ai cũng phải nghe. Tôi cho rằng QĐ được vận hành theo trục dọc và hạn chế được kiểu lãnh đạo gia đình trị, cũng như vai trò hay lợi ích của QĐ không thay đổi trong bất cứ hình thái XH nào, trừ kiểu vua chúa ngày xưa. QĐ hiện nay cũng rất cạnh tranh về kinh tế mà chính quyền thì sao? Kiểu định làm vua như ông Dũng hoàn toàn sẽ tiến tới xâm phạm lợi ích của giới tướng lĩnh, và họ có để yên không? Đó cũng coi là một tín hiệu đáng mừng.
- Thứ ba, tầng lớp trí thức: người đang bon chen phấn đấu sẽ thấy sao khi liên tục có những lãnh đạo quản lý như ông Nghị, bà Phượng, ông Tuấn (con ông Mạnh) hay ông Xuân Anh và nhiều các ông khác. Họ bị đánh bật ra khỏi chỗ lẽ ra của họ, chỗ mà họ "dấm" mãi. Tất nhiên người này không ngồi thì người khác ngồi nhưng ở đời lên thì nhẹ nhàng mà xuống thì khó khăn. Thì đâm ra bất mãn, lại còn vây cánh kéo theo nhau nữa, có thể còn mất cả tiền oan. Và nữa, chính quyền đã quá mạnh tay mà không suy xét hậu quả. Vụ ông CHHV đã là một sai lầm, đã khơi ra tính tò mò trong nhân dân, người không biết gì thì tìm hiểu để biết, người biết rồi thì thấy bất bình. Nay lại thêm vụ Nguyễn Lân Thắng, là người Việt có học một chút, nhất là ở Bắc, ai mà không biết đến dòng dõi họ Nguyễn Lân. Một dòng họ danh gia vọng tộc, ai cũng GSTS, cũng ông nọ bà kia, họ có để yên không khi con cháu họ vô tội mà bị CA bắt vào đồn, không biết có làm gì nữa không mà bị ngất xỉu phải đi cấp cứu. Họ có không làm gì thì suy nghĩ về chính quyền cũng khác đi, rồi còn bạn bè đồng nghiệp, còn học sinh sinh viên của họ nữa. Tôi xin được tha thứ khi tôi cho rằng đây cũng là điều đáng mừng, tôi cầu chúc từ đáy lòng cho anh Thắng tai qua nạn khỏi.
Lời kết: Là sự vội vàng thiếu cân nhắc, hay đã được viết thành chương thành hồi, tôi vẫn cho rằng ông Dũng đang chệch đường. Là tín hiệu đáng mừng về thái độ, hay là sự xuống cấp của XH, tôi vẫn cho rằng đã có những thay đổi.

13 tháng 10, 2011

ĐÍNH CHÍNH - MẤT ĐÂU HẾT RỒI?


Nhớ lại ngày bé, khi đọc sách, tôi bao giờ cũng xem trang cuối trước. Xem mục lục, xem in bao giờ, bao nhiêu cuốn nhưng chủ yếu là xem Đính chính. Từ Đính chính tôi tìm từng chữ, sửa sang đánh dấu cẩn thận xong mới đọc. Nào Trang 55, d 12 tx: ống thành sống, nào Trang 103, dòng 6 dl mưa thành mùa. Bảy, tám tuổi có ai dạy đâu mà lẩn mẩn như ông già, mà đọc xong cũng chả hiểu gì, nghĩ cũng kỳ.
Bây giờ, tôi vẫn thói quen xem đuôi trước, nhưng hầu như không thấy cuốn nào còn mục Đính chính, năm bảy chục trang cũng vậy, năm bảy trăm trang cũng thế, sách hay truyện như nhau cả. Có lẽ bây giờ hiện đại hơn, giỏi giang hơn nên không còn sai sót, hay là không cần thiết cái mục đó nữa: kệ, đọc thì phải dịch ra, chứ chả lẽ lại vạch áo cho người xem lưng à! Tôi lại thấy kỳ.
Lại chuyện báo chí, báo ngày, báo tuần, báo giấy, báo mạng đủ cả. Đành rằng là đưa tin nóng hổi về tai nạn giao thông, ô tô điên nọ đâm xe máy không điên kia, nhiều người chết nhiều người bị thương, nhưng lại có đoạn "lái xe nồng nặc mùi rượu" làm mình tương một câu "ô tô không điên, chỉ người điên". Vẫn biết rằng miệng lưỡi như đao kiếm, nhưng lúc phun ra câu đó, mình còn thấy hỉ hả. Nay lại đọc thấy vị Bác sỹ lái xe kia không bia rượu, tai nạn chỉ do sự cố gì đó, làm mình chỉ muốn dán mồm lại. Mà mình cũng như dở hơi, có mỗi chuyện đó mà bần thần cả buổi chiều, có quen biết gì nhau đâu, mà cũng do báo chí dẫn đường đó chứ. Cũng không có đính chính.
Tôi lại nhớ mấy chuyện nữa, nào là chuyển Thủ đô hành chính lên Ba Vì, nào là đường siêu cao tốc, nào là quy hoạch khu đô thị. Đến bây giờ không biết có làm không, chỉ thấy dạo này vỡ ra nhiều vụ đại gia vỡ nợ quá, chắc cũng đã làm vài quả "đi tắt đón đầu", bây giờ bán như đất trồng rừng cũng chả ai mua. Chắc cũng sẽ làm thôi nhưng chờ đất nước có tiền đã, nhưng khi đó thì vốn đã vào lãi ngân hàng hết rồi. Cái này không biết có cần đính chính không. Giờ thì tôi không thấy kỳ nữa.