Để hưởng ứng "Cuộc biểu tình ủng hộ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc hội ban hành Luật Biểu tình" trên NXD-blog dự kiến diễn ra vào 09h00 ngày Chủ nhật 27/11/2011, trên một số trang mạng lề trái đã diễn ra một cuộc thi ném đá với thành phần không giới hạn.
Cuộc thi được bắt đầu vào khoảng 2 giờ sáng ngày 25/11/2011 với một viên đá to từ một blog tại Đà Nẵng ném vào một cuộc bình chọn bình thường (chưa đủ cơ sở để kết luận là tầm thường) của một blog tại Hà Nội mang chủ đề "Người Phụ Nữ Của Năm 2011" (cũng không biết blog Hà Nội có còn là TNHH nữa hay không hay đã "cổ phần hóa" vì ông chủ blog này luôn tuyên bố "tôi tặng blog này cho các bạn"). Cuộc thi này, theo thông lệ diễn ra tự phát với chỉ vài đối thủ, nhưng sau đó mau chóng được đẩy lên cao trào với hàng trăm thành viên và hàng nghìn quan sát viên, tập trung chủ yếu ở 4 đấu trường chính là NXD-blog; TDN.vn; TTHN và ABS. Mục tiêu cũng được mở rộng sang nhiều thành phần khác, từ cuộc bình chọn sang nhân vật của năm, từ chủ blog đến cả phu nhân và ái nữ của họ, đến cả phương tiện di chuyển và các chuyến du lịch, thăm thân ở tít đẩu tít đâu, năm nảo năm nào. Nói chung là vô tội vạ, không giới hạn, free...
Đầu tiên, với chuyên môn vững vàng và đã lên đến đẳng cấp pro, cộng với một nền tảng thể lực được rèn luyện thường xuyên, blog Đà Nẵng đã ném một viên đá to, sần sùi (nhưng được buộc nơ và mang hồn dân tộc) vào đúng ngay đích tọa lạc tại Hồ Gươm, nơi được dựng lên một tượng đài kiểu như "ông Lê nin ở nước Nga" với danh hiệu "Người Phụ Nữ Của Năm 2011" với rất nhiều fan hâm mộ. Xin nói thêm về cuộc bình chọn này, giới quan sát viên ngay từ đầu đã bày tỏ sự e ngại về tính cục bộ, tính háo danh, sự đại ngôn và một hệ tư duy nông cạn. Ngay khi kết quả được công bố, không chỉ trong giới quan sát viên lề trái mà cả của lề phải đã râm ran tin rằng, cứ hao hao giống cuộc thi tìm linh vật cho SeaGames. Giới phân tích lề trái thì chán nản còn bên lề phải thì thở phào nhẹ nhõm, những người trung dung thì cho rằng cuộc bình chọn đã không chọn đúng thời điểm, chỉ là hành vi bột phát thì thất bại là điều hiển nhiên. Một số (cực đoan hơn) còn nói rằng đó là kiểu tư duy V-A-C lấy cái nọ nuôi cái kia vẫn đang được áp dụng ở một số trang trại kém phát triển.
Quay trở lại với cuộc thi, blog Hà Nội vốn không phải tay chuyên nghiệp, lại được hưởng những lời tán dương đã quen tai nên thiếu sự đề phòng, đã tỏ ra lúng túng thấy rõ. Người lính khi ra trận mà chẳng biết khẩu súng và dao găm khác nhau thế nào, thì khi lâm trận lúng túng là đương nhiên, mà đây lại là chỉ huy. Nhưng dù sao cũng là con dòng dõi, "cùng tắc biến, biến tắc thông", blog HN áp dụng ngay chiêu "lấy thịt đè người" bằng một lời kêu gọi thâm nho kiểu Hán Nôm, đưa ra bài hịch thiếu tính thuyết phục, tự đề cao mình là trang nhã còn kẻ đối nghịch chỉ nhìn thấy cái dưới váy đàn bà. Tiếp theo là tổng động viên quân sỹ vào trò ném đá loạn xì ngầu, không luật lệ, không căn cứ, không khuôn khổ khi dùng từ ngữ thóa mạ và lôi cả vợ con người ta làm mục tiêu (có nhiều viên đá mang hồn dân tộc, dân chủ). Giới phân tích cho rằng đây là một chiến thuật nông nổi xuất phát từ một thế trận bị động và không đáng mặt kẻ sỹ (thực ra cũng chẳng ai biết kẻ sỹ là kẻ nào). Theo họ, nếu không có bài hịch kia thì thế trận phản công tuy nhỏ gọn nhưng sẽ sắc bén hơn.
Đỉnh điểm của cuộc thi là thời gian suốt cả ngày 25/11/2011 với rất nhiều viên đá được ném qua lại. Nhìn một cách tổng thể thì có vẻ đội blog Hà Nội đã giành được ưu thế do blog này không hạn chế phương thức thi đấu, ném thẳng mặt cũng được, dưới thắt lưng hoặc sau lưng cũng được, ném vào nhà cửa vợ con người ta cũng chả sao. Vũ khí thì đủ loại đủ kiểu, loại mang hồn dân tộc, loại mang hồn sông núi, loại mang hồn dân chủ và cả loại chả mang hồn gì, chỉ đơn thuần là ... đá. Lực lượng VĐV thì rất đông đảo, có cả các VĐV mang trên mình các loại chứng nhận yêu nước: người này mấy lần biểu tình, người kia mấy lần CA bắt... (cứ làm như tình yêu nước đo được bằng lít, bằng kí lô). Ngoài ra, đội blog Hà Nội còn được sự chi viện lớn khi đồng minh mở thêm mặt trận bên TTHN, còn tạp pí lù hơn do bên này hầu như không cần luật. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng sự chi viện này có tác dụng không đáng kể do phần lớn VĐV đều là bên blog HN "hai tay hai súng".
Bên blog ĐN, không khí có vẻ trầm lắng hơn nhưng không hẳn đã yếu thế, từng hòn đá vẫn được ném đi và trúng đích là cuộc bình chọn. Nhưng mặt trận bên này cũng dở, luật lá thì được quán triệt, không tục tĩu, không ném mục tiêu khác không liên quan và là mặt trận mở nên thỉnh thoảng lại có hòn đá ném về nhà, ông chủ blog cũng tối tăm mặt mũi nhưng phải chấp nhận, luật là luật. Phương tiện khí tài của họ cũng rất thô sơ, toàn từ thời Bà Trưng Bà Triệu, hoặc Nho giáo, Khổng giáo. Hiện đại hơn thì chỉ là hình tượng phụ nữ Việt Nam nết na nhu mì (mà bây giờ kiếm đâu ra?). Nhưng chính vũ khí thô sơ này lại là một thế mạnh cho họ, vì ai cũng còn trách nhiệm nuôi dạy con cái, không lẽ lấy biểu tượng đó ra mà dạy. Mà ở đời, có phải ai (và lúc nào) cũng thấy cần đi biểu tình đâu, để bị chính quyền đàn áp đâu mà phải học trước, luyện tập trước.
Cuộc thi này vẫn chưa đến hồi kết nhưng đã có nhiều đánh giá, nhận xét và bài học để lại:
- Giới quan sát cho rằng mọi cái chả đâu vào đâu, từ cuộc bình chọn cẩu thả, ếch ương lại cứ giả tiếng hổ báo. Hòn đá đầu tiên lại ném vào chỗ hiểm quá. Đòn phản công thì mang nhiều màu sắc lôi kéo. Tóm lại là các bên đâm ngay vào chỗ "nhạy cảm".
- Giới phân tích thì cho rằng đây là bài test để kiểm tra trình độ phản biện, một hành trang cần có trên con đường dân chủ thực thụ. Nhưng giới này cũng đưa ra kết luận sơ bộ: kỹ năng tư duy độc lập, đa chiều thực sự là thiếu và yếu đối với người Việt Nam, nó là hệ quả của một quá trình rất dài người Việt bị bỏ đói thông tin và bóp méo sự thật, càng ngày càng làm cho người Việt cho rằng quan điểm của mình là nhất, không chấp nhận các hệ tư tưởng khác mình. Sự đồng lòng do hiểu và tin tưởng là không có, chỉ có sự thỏa hiệp do các lợi ích khác nhau của các nhóm người khác nhau. Tóm lại, con đường đi tới dân chủ thực sự vẫn còn xa và có lẽ phải trông chờ đến thế hệ khác, chứ không mong chờ gì vào thế hệ này - thế hệ chỉ coi mình là nhất - trừ khi họ tự thay đổi một cách tích cực. Lời đề tỉnh: đừng tưởng mình là vĩ nhân mà hấp tấp mưu cầu việc lớn, việc có ích nhất trong khả năng là dạy dỗ con cháu thành những người đàn ông chính trực, phụ nữ đoan trang, biết lắng nghe, biết chia sẻ, vững vàng về tri thức.
- Giới cầm quyền thì cho rằng đã được ăn ngon ngủ yên vì trình độ đa số những người có ý thức chống đối đã được bộ lộ là quá yếu kém, người thì hám danh, kẻ thì moi móc, có kẻ còn lấy cái lề trái, cái mác dân chủ làm trang sức cho trí tuệ. Trong hiện tại và tương lai gần không thể tìm được một biểu tượng có tâm và có tầm, có khả năng gom những hạt cát rời thành một khối thống nhất. Thế thì còn gì phải lo âu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét