13 tháng 11, 2011

TỪ CHỦ NGHĨA TÌNH NGHĨA HỌ HÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN SỰ HÈN KÉM, NHU NHƯỢC, KHÔNG DÁM DẤN THÂN, KHÔNG DÁM ĐÁNH ĐỔI

Nghĩ cứ thấy kỳ kỳ khi nội dung bài viết đã có trong đầu nhưng lại không biết viết tiêu đề như thế nào, bởi cái mệnh đề nguyên nhân là sự tổng hợp của nhiều yếu tố cấu thành, nay cứ tạm gọi là CHỦ NGHĨA TÌNH NGHĨA HỌ HÀNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM và cái mệnh đề kết quả cũng tạm gọi là SỰ HÈN KÉM, NHU NHƯỢC, KHÔNG DÁM DẤN THÂN, KHÔNG DÁM ĐÁNH ĐỔI. Xin được nhắc rằng, nội dung trong bài viết này chỉ là suy nghĩ của cuộc đời non trẻ 35 năm của chính người viết, nên quả thật còn rất nông cạn.
1. Từ chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng của người Việt Nam:
Tôi không nói đến sự giống nhau về sự sinh ra và qua đời, các mối quan hệ với tổ tiên và thế hệ tương lai, các mối dây liên hệ hiện hữu của các dân tộc trên toàn cầu, bởi tất cả đều na ná giống nhau. Tôi chỉ đề cập đến một vấn đề tình cảm của người Việt Nam, mà qua so sánh, tôi cảm thấy hơi thái quá và tôi cho rằng có thể gọi đó là chủ nghĩa: Chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng.
Người Việt Nam, ở đâu cũng thế, đều rất coi trọng tình cảm họ hàng, coi trọng các mối liên hệ họ hàng. Tất cả đều cảm nhận được hạnh phúc trong những khi gia đình sum họp, nhất là Tết cổ truyền, và cũng như tôi, mọi người đều cảm thấy đó là thời gian ý nghĩa nhất trong một năm. Lúc đó, vật chất không còn vai trò, con người như thoát thai biến đổi, mọi sự dành dụm dè sẻn trong năm chỉ để phục vụ một khoảng thời gian rất ngắn, và không ai cảm thấy hối tiếc. Chỉ mấy ngày sum họp nhưng mọi người đã làm việc của cả một năm (có thể dài hơn), đó là uống thuốc bồi bổ tinh thần, tích nạp nguồn năng lượng tinh thần để rồi dùng dần trong thời gian tiếp theo. Sau đó lại tiếp tục một vòng quay: xa cách - lao động - dè sẻn - sum họp - nạp năng lượng. Nó giống như miêu tả của câu thành ngữ "no dồn đói góp". Tôi không chỉ trích, bởi tôi cũng ở xa đại gia đình bằng chiều dài đất nước, vì tôi vẫn thấy sum họp là cần thiết và có kế hoạch cho công việc quan trọng thường niên. Nhưng tôi biết, hàng trăm nghìn công nhân, dù đã làm việc đến 12 giờ một ngày, dù cả năm bữa ăn không đủ dinh dưỡng, cả năm không dám mua một bộ đồ tử tế (chỉ khoảng 500 ngàn thôi), mà mấy năm dành dụm mới về quê được một lần, lại chỉ bằng xe đò giá rẻ nhất, chật chội nhất. Nhưng tôi biết, hàng trăm ngàn thanh niên trai gái, nhu cầu tình cảm đôi lứa là tất yếu, mà không dám yêu, không dám cưới, chỉ vì một lẽ giản đơn, không có tiền: tiền cho một tổ ấm phòng trọ 6 mét vuông 500 ngàn một tháng, và tiền để nuôi sống hoa trái của tình yêu, nòi giống của dân tộc. Thế là họ nhịn, họ chờ vào ngày mai, nhưng ngoài tuổi già ra thì không có tín hiệu nào báo cho họ ngày mai sẽ khác. Và cứ mỗi cuối năm, số tiền dành dụm ít ỏi lại được đem ra tiêu cho chuyến trở về, và đã không còn gì dành cho bản thân. Thế có gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng được không?
Người Việt Nam, làm gì cũng thế, đều xét rất kỹ đến vai trò của họ hàng hay những ảnh hưởng đến họ hàng. Những hành vi của cá nhân đều được xét đến mối liên quan đến họ hàng và những hệ lụy có thể có. Đây có thể là một bức tường ngăn những hành vi trái đạo đức của từng cá nhân, mà vô hình chung mặc định lỗi lầm của một người là lỗi lầm của một gia đình, một dòng họ, và từng cá nhân có trách nhiệm bảo vệ những gì tốt đẹp cho cả gia đình, cả dòng họ. Nhưng đây cũng có thể là rào cản cho những suy nghĩ và hành động độc lập, cho những thay đổi mạnh mẽ trong tư duy thể hiện đúng nghĩa của cụm từ "tôi là một con người", cho chủ nghĩa đề cao cá nhân như nhân loại tiến bộ đang hướng tới. Tôi không dám kết luận ý thức hệ này là tốt hay sấu, là cổ súy hay bài xích, tôi chỉ thấy rằng nếu mỗi cá nhân không bị quá bó buộc thì khả năng tốt của cá nhân sẽ bộc lộ được nhiều hơn, còn cái xấu thì đã có pháp luật điều chỉnh. Thế có gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng được không?
Ở đây tôi sẽ đi vào tìm hiểu nguyên nhân của cái mà tôi gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng này:
- Thứ nhất, tư tưởng của chủ nghĩa phong kiến chưa mất đi. Những gì được thể hiện ở các cụm từ một người làm quan cả họ được nhờ hay chu di tam tộc đã ngấm rất sâu vào hệ tư tưởng của người Việt và tôi không thấy có ai muốn thay đổi điều này. Không nói đến một hiện thực là một người làm quan cả họ (sẽ) làm quan của XH ngày nay mà tôi chỉ nói đến cách truyền đạt tri thức cho thế hệ kế cận, không thấy ai nói thói dựa dẫm là không đúng, không thấy ai cổ súy cho sự độc lập, độc đáo về tư tưởng, về cách nghĩ, cách làm, cách thể hiện cái tôi cũng như chịu trách nhiệm toàn phần cho cái tôi của mình (hoặc có nói cũng chỉ là chiếu lệ). Tôi thấy buồn khi người cha của Nguyễn Đức Nghĩa qua đời vì TNGT lại có những người nói rằng đó là quả báo, là nhân quả, là sự trả giá. Thôi thì việc cũng đã qua, tôi chỉ nghĩ cố rằng thế là mừng cho ông ấy, vì với một cách suy xét lệch lạc của xã hội này thì ông cũng là tội phạm, thế thì sống không bằng chết. Tôi mong ông yên nghỉ.
- Thứ hai, chiến tranh đã qua được hơn ba mươi năm, nhưng di chứng thì còn đến hôm nay chưa nhạt. Ngày đó, để huy động sức người, huy động sự tổng lực về tinh thần, cũng như loại bỏ bản năng cầu sống của người lính để họ không trốn chạy, chính quyền miền Bắc đã xóa bỏ cái tôi cá nhân. Một người nhát gan, ham sống, đào ngũ thì cả gia đình, cả họ hàng và cả bạn bè thân nữa cùng gánh tội (theo Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh). Cuộc sống của cả dòng họ bị đảo lộn, họ không còn được tin tưởng trong công việc, không được tạo điều kiện trong cuộc sống, ngay cả muốn đối mặt với cái chết (đi bộ đội) cũng không được tin tưởng nữa. Bà con lối xóm thì coi cả họ nhà đó như con hủi, như tội phạm, và dòng họ có người con hèn nhát đó đã được tương lai tối tăm đến đón. Nhưng đó là chiến tranh, ở một góc độ nào đó có thể hiểu được, còn sau ba mươi sáu năm, kiểu đó không cần nữa, nhưng không dễ gì xóa đi.
2. đến sự hèn kém, nhu nhược, không dám dấn thân, không dám đánh đổi;
Tôi xin nói luôn, từ hèn kém không phải từ của tôi mà từ phản hồi của blogger Thanhvdgt1, tôi hiểu đó là lời gan ruột, là nỗi đau cho người, cho tôi và cho chúng ta. Sở dĩ tôi viết bài này vì hai tiếng hèn kém cứ như vẳng bên tai, cũng như tìm một cách giải thích cho cái gọi là hèn kém đó, mà tôi cũng có.
Dễ nhận ra nguyên nhân của sự hèn kém trong con người, đó là sự thật mà khi tiếp cận, người dân cứ như là tìm thấy một nơi có sự sống khác ngoài trái đất này, của sự bất bình đang ngày một lên cao qua các thông tin về biến chuyển tiêu cực của XH tràn lan gần đây. Từ đó con người muốn phản kháng, muốn tiến tới sự công bằng, muốn sống cùng với cái tôi cá nhân độc đáo và được tự điều chỉnh hành vi, nhưng không dám, bởi hèn kém, nhu nhược, không dám dấn thân, không dám đánh đổi.
Nhưng có hèn thật thế không? Là bản chất hay sự thích nghi? Và làm sao thay đổi?
Người Việt Nam không hèn, điều đó được chứng minh qua lịch sử hàng ngàn năm đánh giặc. Trong các thời kỳ đó, ai cũng gác số phận mình, cuộc sống của mình lại để đồng lòng khi Tổ quốc lâm nguy, họ và gia đình họ tự hào về điều đó.
Cũng không phải sự thích nghi, vì thích nghi kiểu đó thì Thuyết Tiến Hóa phải viết lại, loài người và vạn vật tồn tại được là do sự thích nghi với cái mới ưu việt luôn vươn tới tầm cao, hoàn thiện mình và hoàn thiện XH.
Vậy thì tại sao? Đó là tại cái mà tôi gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng của người Việt Nam. Tôi và nhiều người, dù muốn làm nhiều việc (ở đây là những việc vì Tổ quốc, vì những cái tốt đẹp hơn) nhưng có nhiều cản trở hơn. Người Việt, chưa dứt được các thứ gọi là dây mơ dễ má, chưa phát huy được cái tôi đích thực, nên vẫn là hèn kém. Tôi không dám làm vì nghĩ rằng sẽ liên lụy đến cha mẹ, anh chị em, vợ con. Tôi không dám làm vì tôi không thể tách mình ra khỏi mối liên hệ gia đình, họ hàng bởi hiện tại đang chứng minh: Một người có tội cả họ có tội. Tôi có thể dám cư xử tồi tệ với tấm thân mình (cứ tạm gọi như thế) chứ không đang tâm làm liên lụy đến gia đình.
Lời kết: Sự giải thoát của cá nhân là điều cần thiết, một cái tôi dám làm dám chịu sẽ là nền móng cho nhận thức và hành động, nhưng quả thật cái gọi là chủ nghĩa tình nghĩa họ hàng đã mọc rễ trong đầu mọi con người Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét